Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Phan Nguyễn

Gọi ngay cho chúng tôi

(024) 6664.0446

Đẩy lui tuổi già, trà kỷ tử xứng danh Thiên tinh, Địa tiên

16/04/2021
Không rõ nguồn gốc xuất xứ ra sao, nhưng trà Kỷ tử đã được lưu truyền rộng rãi trong dân gian nhiều nước phương Đông và sau này đều được ghi lại trong các sách viết về Trà dược cổ truyền.
 
Trà Kỷ tử là một trong những loại trà thuốc hết sức đơn giản, chỉ gồm có độc vị Kỷ tử nhưng công dụng thì lại rất nổi tiếng. Chỉ cần mỗi ngày lấy 15g kỷ tử hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 – 20 phút là ta đã có được một thứ nước màu đỏ đẹp, thơm ngon, vừa có tác dụng giải khát thay trà trong ngày lại vừa có công năng bổ thận ích tinh và dưỡng can minh mục. Cổ nhân thường dùng trà Kỷ tử để bồi bổ cơ thể và phòng chống tích cực các chứng bệnh như suy nhược toàn thân sau khi bị bệnh nặng, đầu choáng mắt hoa, giảm thị lực do nhiều nguyên nhân, lưng đau, gối mỏi, suy nhược năng lực tình dục, di mộng tinh, xuất tinh sớm, muộn con…
 
Kỷ tử là quả chín phơi hay sấy khô của cây Khởi tử có tên khoa học là Lycium barbarum L. (Lycium chinense mill). Thời cổ đại, nó còn được gọi bằng các tên như Thiên tinh (tinh của trời), Địa tiên (tiên của đất), Khước lão (đẩy lui tuổi già)…, điều đó cho thấy giá trị đặc sắc của vị thuốc này.
 
 
Chuyện kể lại rằng: Vào đời Đường (Trung Quốc), tể tướng Phương Huyền Linh vì dụng tâm quá độ giúp Đường Thái Tông Lý Thế Dân cai quản triều chính nên tinh thần luôn bất an, cơ thể thường mệt mỏi, được quan thái y cho dùng món canh Kỷ tử nấu với Ngân nhĩ (Mộc nhĩ trắng) thường xuyên nên sức khoẻ dần được phục hồi, tinh thần trở nên tráng kiện.
 
Đại thi nhân Lưu Vũ Tích cũng đã từng viết thơ ca tụng công dụng của Kỷ tử: “Thượng phẩm công năng cam lộ vị, hoàn tri nhất chước khả diên niên” (công năng tuyệt diệu mùi thơm ngọt, một gáo nên hay sẽ sống lâu). Trong y thư nổi tiếng Bản thảo cương mục, nhà dược học vĩ đại Lý Thời Trân cũng cho rằng “Phục Kỷ tử thọ bách niên, hành tẩu như phi, bạch phát phản hắc, xỉ lạc canh sinh, dương sự cương kiện” (uống Kỷ tử thọ trăm năm tuổi, đi lại nhanh nhẹn, tóc bạc đen lại, răng chắc, dương sự mạnh mẽ).
 
Tại Trung Quốc, Kỷ tử phân bố ở nhiều nơi nhưng loại được trồng ở Ninh Hạ có chất lượng cao hơn cả, người ta gọi vị thuốc này là “Minh mục tử”, có nghĩa là thứ quả làm sáng mắt. Truyền thuyết kể lại rằng:
 
Ngày xưa ở Ninh An thuộc tỉnh Ninh Hạ có một cô gái tên là Cẩu Hồng Quả. Cha cô không may mất sớm, vì quá thương nhớ chồng mình, mẹ cô khóc nhiều đến nỗi cả hai con mắt không còn nhìn thấy gì cả. Để chữa bệnh cho mẹ, Cẩu Hồng Quả đã không quản gian lao, ngày đêm trèo đèo lội suối lên tận Nam Sơn hái thuốc. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của cô, tiên ông Bạch Hồ Tử đã hiện ra và chỉ dẫn Cẩu Hồng Quả thu hái Kỷ tử về làm thuốc cho mẹ uống. Quả nhiên, sau một thời gian dùng thuốc, mắt mẹ cô ngày càng sáng ra và khỏi hẳn. Vì thế, dân trong vùng gọi loại thảo dược này là “Minh mục tử” và coi đó là thứ “Linh đan diệu dược” chuyên chữa bệnh về mắt.
 
Theo dược học cổ truyền, Kỷ tử vị ngọt, tính bình, vào ba kinh Can, Thận và Phế; có công dụng tư bổ can thận, dưỡng huyết minh mục và nhuận phế. Y thư cổ Bản thảo kinh sơ viết: “Kỷ tử, nhuận nhi tư bổ, kiêm năng thoái nhiệt, nhi chuyên vu bổ thận nhuận phế, sinh tân ích khí, vi can thận chân âm bất túc, lao phiếm nội nhiệt, bổ ích chi yếu dược. Lão nhân âm hư giả thập chi thất bát, cố phục thực gia vi ích tinh minh mục chi thượng phẩm” (Kỷ tử nhuận và bổ, lại có khả năng giải nhiệt nên là vị thuốc trọng yếu để bổ thận nhuận phế, sinh dịch mới và ích khí, chuyên chữa chứng can thận âm hư mà sinh nhiệt bên trong; là vị thuốc bổ tinh, sáng mắt, được coi là thượng phẩm đối với người già vốn phần âm đã hư hao bảy, tám phần).
 
Y học cổ truyền cho rằng: Can là cơ quan có chức năng tàng huyết, chủ về cân, khai khiếu ở mắt; Thận tàng tinh, chủ về xương, khai khiếu ở tai. Hai cơ quan này đều nằm ở phần dưới của cơ thể (hạ tiêu), có chức năng tương hỗ lẫn nhau, “Ất quý đồng nguyên, can thận đồng trị”, tinh huyết hỗ sinh. Nếu Can Thận âm hư thì tinh và huyết đều thiếu nên không thể nuôi dưỡng mắt đầy đủ được mà phát sinh chứng trạng hoa mắt, mắt mờ, thị lực giảm sút… Kỷ tử là vị thuốc vào được cả kinh Can và Thận, một mặt bổ ích Thận tinh, một mặt bổ dưỡng Can huyết nên có thể chữa được các chứng bệnh như đầu choáng mắt hoa, nhìn mờ, tai ù, điếc, lưng đau gối mỏi, di tinh, liệt dương…
 
Trà kỷ tử xứng danh thiên tinh, địa tiên
 
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, Kỷ tử là một trong những vị thuốc có tác dụng dược lý rất phong phú:
- Cải thiện và điều tiết công năng miễn dịch của cơ thể.
- Nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống nội tiết Hạ khâu não – Tuyến yên – Tuyến thượng thận.
- Bảo vệ tế bào gan, ức chế sự lắng đọng chất mỡ trong gan, thúc đẩy quá trình tái sinh của tế bào gan.
- Điều chỉnh rối loạn lipid máu, làm hạ  và làm chậm sự hình thành các mảng vữa xơ trong huyết quản.
- Hạ đường huyết.
- Làm giãn mạch và hạ huyết áp.
- Thúc đẩy quá trình tạo huyết của tuỷ xương.
- Chống oxy hoá và làm chậm sự lão hoá.
- Nâng cao sức chịu đựng của cơ thể trong điều kiện thiếu oxy, phòng chống tích cực trạng thái mệt mỏi.
- Chống phóng xạ và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư…
Điều này cho thấy những nhận định về công dụng tuyệt vời của Kỷ tử của cổ nhân là hoàn toàn có cơ sở.
 
Để nâng cao tác dụng của trà Kỷ tử, tuỳ theo thể chất và chứng trạng cụ thể, người ta thường gia thêm một số vị thuốc khác như Cúc hoa (để làm sáng mắt và chữa đau đầu, chóng mặt), Mạch môn và Ngũ vị tử (để cải thiện trí nhớ và làm cho tinh thần tỉnh táo), Thảo quyết minh, Đan sâm và Hà thủ ô ( bổ can Thận và làm hạ mỡ máu), Đương quy và Đại táo ( dưỡng huyết, làm tăng hồng cầu trong máu ngoại vi), Toan táo nhân và Ngũ vị tử ( dưỡng tâm an thần), Đông trùng hạ thảo (bổ thận trợ dương)…
 
Nguồn: caythuocquy.info.vn
Tags : AmaVie Foods, công dụng với sức khỏe của kỷ tử, kỷ tử, kỷ tử AmaVie, kỷ tử hữu cơ, kỷ tử organic, thực phẩm hữu cơ nhập khẩu
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: